Tin Kinh tế- xã hội  > Xã hội

Bàn về năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước

Cập nhật lúc: 30/12/2021 04:22:00 PM

Năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp (DN), theo đó, nâng cao NSLĐ là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của nâng cao NSLĐ, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao NSLĐ như: Nghị quyết số 24/2016/QH14 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương IV (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế,... Gần đây nhất là Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 04/02/2020 về giải pháp thúc đẩy tăng NSLĐ quốc gia. Nhờ đó, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có những chuyển biến tích cực.

Trong giai đoạn 2010-2019, NSLĐ của Việt Nam đã tăng xấp xỉ 1,6 lần từ mức 38,47 triệu đồng/lao động năm 2010 lên mức 60,68 triệu đồng/lao động năm 2019 (tính theo giá so sánh 2010). Bình quân giai đoạn 2016-2019, NSLĐ tăng với tốc độ 5,93%/năm, cao hơn so với mức bình quân 4,61%/năm trong thời kỳ 2011-2015. Nếu tính theo giá hiện hành, NSLĐ năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động, tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018. Mặc dù NSLĐ tổng thể tăng đều qua các năm nhưng nhìn chung mức NSLĐ của toàn nền kinh tế còn rất thấp. Đặc biệt, so với các nước vẫn còn khoảng cách rất lớn. Năm 2019, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 Malaysia; bằng khoảng 1/3 so với Thái Lan và Trung Quốc, bằng khoảng ½ so với Indonesia và gần bằng một nửa mức trung bình của các nước ASEAN.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) luôn dẫn đầu về NSLĐ do có tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ số rất cao. Đứng thứ hai là khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế cá thể) có mức NSLĐ thấp nhất. Cụ thể, năm 2018, NSLĐ của khu vực kinh tế nhà nước là 175,37 triệu đồng/lao động; khu vực có vốn ĐTNN đạt 225,12 triệu đồng/lao động, gấp khoảng 1,3 lần khu vực nhà nước và gấp 6,9 lần khu vực ngoài nhà nước.

NSLĐ của khu vực nhà nước có xu hướng tăng dần, góp phần thu hẹp khoảng cách về NSLĐ tuyệt đối với khu vực có vốn ĐTNN. Thành quả này có được là nhờ một loạt cải cách của Chính phủ trong việc giảm thiểu số lượng DNNN và chỉ giữ lại những DN hiệu quả nhất. Sự chọn lọc này đã tự nhiên nâng cao năng suất trung bình của khu vực nhà nước theo thời gian. Bên cạnh đó, các DNNN được giữ lại thường là các DN lớn và thâm dụng vốn cao, được hưởng sự hỗ trợ của Chính phủ và quyền đặt giá độc quyền, cho phép các DN này tạo ra NSLĐ cao hơn, không giống hầu hết các DN tư nhân nhỏ hơn, cường độ vốn thấp và dưới sự cạnh tranh thị trường mạnh mẽ.

Mặc dù tăng trưởng đều đặn song NSLĐ của khu vực ngoài nhà nước vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực nhà nước và khu vực có vốn ĐTNN. Năm 2018, khu vực kinh tế tư nhân có mức NSLĐ đạt 44,58 triệu đồng/lao động, thấp hơn khu vực kinh tế tập thể, khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn ĐTNN, nhưng cao hơn so với khu vực kinh tế cá thể và mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.

Xét theo loại hình DN, Bảng 1 cho thấy, NSLĐ của DNNN vẫn luôn dẫn đầu, năm 2011 đạt 393,9 triệu đồng/lao động, đến năm 2017 đã tăng lên 678,1 triệu đồng/lao động. Đứng thứ hai là DN có vốn ĐTNN, từ mức 218,4 triệu đồng/lao động năm 2011 đã đạt 330,8 triệu đồng/lao động vào năm 2017, cao gấp 3,5 lần NSLĐ chung của cả nước và cao hơn của toàn bộ khu vực DN nói chung.  So với hai loại hình DN nói trên, NSLĐ của DNNNN mặc dù có tăng, từ 121,4 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 228,4 triệu đồng/lao động vào năm 2017, song vẫn luôn đứng ở vị trí thấp nhất. Điều này cho thấy khoảng cách về NSLĐ của loại hình DN này đang ngày càng bị nới rộng so với DNNN và DN có vốn ĐTNN. Đây là yếu tố rất đáng lo ngại vì nó cản trở khả năng cạnh tranh của DNNNN nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung bởi loại hình DNNNN là lực lượng kinh tế có số lượng DN đông nhất.

Đối với DN có vốn ĐTNN, trong thời gian qua, việc gia tăng sự hiện diện của khu vực DN này đã có tác động tích cực đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các DN có vốn ĐTNN mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Trong thời kỳ đầu thu hút vốn FDI, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động tại một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017 (VOV.VN, 2020). DN có vốn ĐTNN hiện giữ vai trò quan trọng trong việc trực tiếp đóng góp vào tóc độ tăng trưởng NSLD của nước ta.

Bảng 1: NSLD trong khu vực DN giai đoạn 2011-2017 theo giá hiện hành (Đơn vị tính: Triệu đồng/lao động)

 

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

DNNN

393,9

487,0

545,5

528,4

526,7

684,2

678,1

DNNNN

121,4

130,6

126,4

141,6

162,7

193,3

228,4

DN có vốn ĐTNN

218,4

235,1

251,2

243,1

291,0

314,6

330,8

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Xét ở góc độ tiền lương tác động đến chất lượng và NSLĐ, tiền lương và thu nhập bình quân hàng tháng của lao động trong DNNNN cũng ở vị trí thấp nhất so với hai loại hình DN còn lại mặc dù đã tăng từ 6,2 triệu đồng năm 2015 lên 8,3 triệu đồng năm 2019 (Bảng 2). Trong khi đó, DNNN vẫn đứng ở vị trí đầu bảng với mức thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/lao động/tháng năm 2015 lên mức 14,2 triệu đồng/lao động/tháng vào năm 2019. Theo đó, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong DNNNN chỉ bằng khoảng 58,5% thu nhập tương ứng của lao động trong DNNN ở năm 2019.

Bảng 2: Thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong DN phân theo loại hình DN giai đoạn 2015-2019

Đơn vị tính: Nghìn đồng

 

2015

2016

2017

2018

2019

DNNN

9.509

11.411

11.887

12.556

14.210

DNNNN

6.225

6.405

7.369

7.868

8.312

DN có vốn ĐTNN

7.502

8.504

9.035

9.764

10.066

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Xét trong giai đoạn 2016-2018 so với giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong khu vực DNNN đạt cao nhất với 11,93 triệu đồng (trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 11,54 triệu đồng), tăng 34,0%; khu vực DN có vốn ĐTNN đạt 9,11 triệu đồng, tăng 38,9%; khu vực DNNNN đạt 7,24 triệu đồng, tăng 46,8%.

Xét trong nội bộ DNNNN, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong DN tư nhân là thấp nhất, với mức 5,8 triệu đồng vào năm 2019; lao động trong công ty cổ phần có vốn nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất với mức 10,9 triệu đồng vào năm 2019, tiếp đó là công ty cổ phần không có vốn nhà nước với mức 9,2 triệu đồng/lao động/tháng.

* Đánh giá các yếu tố tác động đến NSLĐ của khu vực DNNNN

DN có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, vì vậy, NSLĐ của DN là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Chiếm tới 96,7% tổng số DN của cả nước nên NSLĐ của DNNNN ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn nền kinh tế cũng như toàn bộ khối DN. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến NSLD của khu vực DNNNN như: tiền lương/thưởng; nguồn vốn đầu tư; trình độ khoa học - kỹ thuật; trình độ lao động; trình độ quản lý; chính sách nhà nước… Tuy nhiên, bốn yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến NSLĐ của khu vực DN này hiện nay đó là tiền lương, nguồn vốn đầu tư, trình độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và trình độ quản lý.

Về tiền lương: Tiền lương, tiền thưởng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo động lực thúc đẩy người lao động làm việc nâng cao NSLĐ. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người lao động. Phấn đấu nâng cao tiền lương là yêu cầu tất yếu của người lao động, nó là tạo động lực để người lao động phát triển trình độ và khả năng lao động của mình. Tiền lương cũng là một trong những công cụ kinh tế quan trọng nhất trong quản lý lao động, người ta dùng công cụ này để kích thích thái độ quan tâm đến lao động.

Có thể thấy, tăng tiền lương và tăng NSLĐ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tăng NSLĐ là cơ sở để tăng tiền lương và ngược lại tăng tiền lương là một trong những biện pháp khuyến khích con người hăng say làm việc để tăng NSLĐ. Tuy nhiên, theo phân tích ở trên, tiền lương và thu nhập bình quân tháng của lao động trong khu vực DNNNN trong những năm qua luôn ở vị trí thấp nhất so với khu vực DNNN và DN có vốn ĐTNN. Điều này cho thấy lương của lao động trong DNNNN chưa thực sự là động lực thúc đẩy người lao động làm việc nâng cao NSLĐ.

Về đầu tư (nguồn vốn, máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất…). Hầu hết DNNNN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế; công nghệ sản xuất lạc hậu và trung bình; cơ sở vật chất còn nghèo nàn; trình độ khoa học - công nghệ còn chưa cao, nhiều DN đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Thực tế cho thấy, các DN có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức NSLĐ cao hơn 19,3% so với các DN còn lại. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chi cho các hoạt động R&D ở trong khối DNNNN còn thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến NSLĐ của khu vực DN này luôn ở mức thấp, trong khi đó, các DN có vốn ĐTNN có sự hỗ trợ mạnh về tài chính, đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, giúp quá trình sản xuất diễn ra liên tục, ổn định và nâng cao được NSLĐ.

Về trình độ ứng dụng khoa học – kỹ thuật: NSLĐ của DNNNN luôn thấp hơn so với hai khu vực DN còn lại cũng xuất phát từ trình độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật của khu vực DN này vào sản xuất còn thấp, lao động thủ công còn nhiều, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp, dẫn đến khả năng tăng NSLĐ thấp. Hiện nay, khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao, công cụ đưa vào sản xuất ngày càng hiện đại, đòi hỏi người lao động phải có một trình độ chuyên môn tương ứng để có khả năng sử dụng, điều khiển máy móc trong sản xuất. Nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn của con người có ý nghĩa lớn đối với tăng NSLĐ. Đây là một yếu tố không thể thiếu được, bởi vì dù khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển với tốc độ cao và đưa vào sản xuất các loại công cụ hiện đại, thì càng đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn tương ứng. Nếu người lao động không có trình độ chuyên môn cao thì không thể điều khiển được máy móc, không thể nắm bắt được các công nghệ hiện đại.

Về trình độ quản lý: Đội ngũ chủ DN, cán bộ quản lý trong khu vực DNNNN rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Đa số các chủ DN và giám đốc DN tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, văn hóa, luật pháp... và kỹ năng quản trị kinh doanh, nhất là kỹ năng kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Sự hạn chế trong năng lực quản trị DN của các DN trong khu vực ngoài nhà nước thể hiện ở nhiều DN chưa có chiến lược kinh doanh, chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kinh doanh theo phi vụ. Các chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại của các DN cũng còn nhiều yếu kém: tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm hẹp; hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực; chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại chỉ dưới 1% doanh thu (so với tỷ lệ 10-20% của các DN có vốn ĐTNN). Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho NSLĐ của khu vực DNNNN thời gian qua thấp hơn so với khu vực DNNN và DN có vốn ĐTNN.

--------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, Nxb Thống kê.

2. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê các năm, Nxb Thống kê.

3. Tô Hà (2020), Cải thiện NSLĐ qua kinh tế số, truy cập từ https://nhandan.vn/nhan-dinh/cai-thien-nang-suat-lao-dong-qua-kinh-te-so-455525/

 

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường
  Email    In


 

Bình luận

Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
 

Số lượt truy cập : 1097202