
Hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP)
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được Chính phủ ban hành vào ngày 14/2/2015, có hiệu lực từ ngày 10/4/2015. Nghị định này được xây dựng dựa trên cơ sở khắc phục những hạn chế trong khung pháp lý trước đây về PPP, tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn tại Việt nam cũng như những thông lệ quốc tế.
Các nội dung cơ bản về đầu tư theo hình thức PPP được đánh giá là những điểm mới, nổi bật của Nghị định số 15, đó là:
+ Phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp đà đổi mới của Việt nam: Nghị định số 15 ra đời trong bối cảnh đất nước đang triển khai những kế hoạch thực chất của hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng cùng tiến trình tái cấu trúc đầu tư công. Về mặt quy trình thực hiện dự án PPP, Nghị định đã tiệm cận với chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2012, 2013, 2014. Hướng đổi mới này nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân nước ngoài, nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế tham gia dự án hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Thêm vào đó NĐ 15 yêu cầu công khai, minh bạch từ đó làm trong sạch môi trường đầu tư.
+ Mở rộng lĩnh vực: PPP được thực hiện với các dự án có mục đích công. Nghị định15 quy định hầu hết các lĩnh vực của đầu tư công truyền thống, mở rộng hơn nhiều so với các văn bản trước đây từ kết cấu hạ tầng đến gia thông, điện, cấp thoát nước đến các dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hoá.
Với PPP, các địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ nút thắt trong các dự án trong đầu tư các dự án công. PPP được ưu tiên trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm tới.
+ Bổ sung loại hợp đồng mới: Bên cạnh các hợp đồng cũ như BOT, BTO, BT thì sau Nghị định có thêm các hợp đồng BOO, O&M, BTL, BLT. Theo đó, có 2 nhóm hợp đồng. Một là, nhà đầu tư thu phí trực tiếp người sử dụng hoặc tạo doanh thu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hai là, nguồn thu của nhà đầu tư đến từ việc thanh toán nhiều lần của cơ quan nhà nước phụ thuộc vào chất lượng, tiến độ của nhà đầu tư thực hiện.
+ Nhấn mạnh khâu chuẩn bị dự án: Điểm mới của Nghị định PPP là yêu cầu nhà đầu tư phải nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư bài bản trước khi chọn nhà đầu tư thực hiện. Theo đó, đã đến lúc Việt Nam phải chào ra thị trường tài chính quốc tế cũng như trong nước những dự án được nghiên cứu trước chứ không phải "nhanh trước, chậm sau”.
+ Kiểm soát “đầu ra” thay cho “đầu vào”: Nghị định mới về PPP chú trọng kiểm soát đầu ra. Đây là cách tiếp cận mới, theo đó làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình, dịch vụ sẽ được cung cấp, không định hướng cho một loại công nghệ, giải pháp triển khai. Nhà đầu tư có giải pháp công nghệ…tối ưu sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu để đảm bảo chất lượng cao nhất.
+ Quy định rõ về vốn đầu tư công tham gia thực hiện dự án: Trong truờng hợp dự án có mục đích công không có khả năng hoàn vốn. Khi đó dự án cần tới sự tham gia của Nhà nước. Nghị định đã quy định rõ về thu hút vốn cho các dự án này với mục đích: góp vốn để xây dựng dự án; thanh toán cho nhà đầu tư; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư..
+ Làm rõ hai phương thức tham gia vào dự án của nhà đầu tư: Về trường hợp thanh toán thứ nhất, nhà nước xác định ý tưởng, đề xuất và báo cáo nghiên cứu khả thi. Nhà đầu tư được tham vấn trong quá trình chuẩn bị dự án, đấu thầu giành quyền thực hiện dự án. Đây là cách làm chủ đạo với các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch ngành.
Trường hợp thứ hai, nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi có báo cáo được duyệt, cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất dự án được hưởng mức ưu đãi nhất định trong đấu thầu, trường hợp không trúng thầu sẽ được hoàn trả chi phí nghiên cứu dự án.
+ Đáp ứng mối quan tâm của bên cho vay: Nghị định 15 đã nêu rõ cơ chế thực hiện quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay thông qua thoả thuận với cơ quan NN có thẩm quyền. Một số biện pháp đảm bảo đầu tư theo PPP là bảo lãnh nghĩa vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thế chấp dự án, quyền sử dụng đất, cân đối ngoại tệ.
+ Xác định rõ vai trò của nhà nước và hình thành đầu mối thực hiện: Nghị định PPP xác định vai trò của nhà nước trong đầu tư PPP: Là một bên, một đối tác của hợp đồng, thực hiện cam kết, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; Nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, kiểm soát về chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ các đầu mối triển khai PPP. Đứng đầu là Ban chỉ đạo Nhà nước về PPP.
+ Rút gọn thủ tục đối với dự án nhóm C: So với thông lệ quốc tế là chỉ thực hiện dự án PPP có quy mô lớn, Nghị định 15 quy định bổ sung với cả các dự án nhỏ, đó là dự án nhóm C theo Luật Đầu tư công. Đây là điểm mới phù hợp với Việt Nam, đặc biệt là với các dự án nông nghiệp, phát triển nông thôn,…có ý nghĩa lớn cho cộng đồng.
Để tạo tính linh hoạt, Nghị định còn quy định thủ tục rút gọn với các dự án này là: không phải thực hiện các bước như lập báo cáo nghiên ứu, không phải thành lập doanh nghiệp dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư.
Một số quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư
Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thấu về lựa chọn nhà đầu tư được Chính phủ ban hành vào ngày 17/3/2015, có hiệu lực từ ngày 05/5/2015. Nghị định hướng dẫn về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại cấp Nghị định (trước đây được thể chế hóa tại Thông tư 03/2009/TT-BKH và thông tư 03/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đầu tư công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, đặc biệt đối với dự án PPP, lần đầu tiên Nghị định 30 đã bổ sung cơ chế cạnh tranh hướng tới hiệu quả tối ưu của các dự án trong lĩnh vực thu hút đầu tư tư nhân.
Đây là nghị định quy định chi tiết, áp dụng đối với 2 loại dự án. Đó là dự án đầu tư theo hình thức PPP và dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới, nhà ở thương mại, công trình thương mại và dịch vụ, tổ hợp đa năng mà không thuộc trường hợp quy định theo dự án PPP.
Nhà đầu tư dự thầu được đánh giá là độc lập về pháp lý và tài chính với nhà thầu tư vấn, thẩm định nghiên cứu khả thi (riêng dự án PPP nhóm C thì độc lập với nhà thầu lập, đề xuất dự án):
Điều kiện là không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp; Nhà đầu tư tham gia dự thầu với cơ quan nhà nước, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau.
Nhà đầu tư với nhà thầu không cùng có cổ phần hoặc vốn góp của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên từ 20% trở lên.
Các trường hợp nhà đầu tư được ưu đãi:
+ Trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải công thêm 5% khoản tiền vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng.
+ Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.
+ Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước thì nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được công thêm khoản tiền 5% phần nộp ngân sách nhà nước và phần nộp ngân sách nhà nước nhà đầu tư đề xuất để so sánh, xếp hạng.
+ Trường hợp phương pháp kết hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng ưu đãi không vượt 5%..
Hai nghị định nêu trên được coi là khung pháp lý cơ bản cho việc triển khai các dự án PPP tại Việt nam, chính thức mở ra một cách làm mới thu hút vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo:
+ Tạp chí Khu công nghiệp – Tháng 4/2015
+ CafeF.vn
+ vcci.com.vn