Chính sách - Pháp luật

Tăng thuế tài nguyên – lợi cho ai?

Cập nhật lúc: 01/10/2015 10:01:49 AM

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 712 của UBTV Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên vừa được đưa ra lấy ý kiến đã và đang gây nhiều tranh luận trái chiều, nhất là từ phía các doanh nghiệp (DN). Phía DN cho rằng việc tăng thuế là tận thu quá mức ảnh hưởng tiêu cực tới DN, trong khi cơ quan soạn thảo khẳng định tăng thuế để tăng thu ngân sách và bảo toàn khai thác tài nguyên bền vững.

Tăng thuế để bảo vệ ngân sách
 
Theo Dự thảo nghị quyết đang đưa ra lấy ý kiến, hầu hết thuế suất các khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2% đến 12%.
 
Cụ thể, sắt có khung thuế suất 7-20% so với thuế suất hiện hành là 12%; titan có khung thuế suất 7-20% so với thuế suất hiện hành là 16%; vàng: khung thuế suất 9-25% so thuế suất hiện hành là 15%; wonfram và antimoan: khung thuế suất là 7-25%, thuế suất hiện hành là 18%; đồng: khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành là 13%; và niken: khung thuế suất 7-25%, so thuế suất hiện hành là 10%.
 
Đáng chú ý là nhôm, bô xít được đề nghị giữ nguyên mức thuế suất là 12% với lý do dự án tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021.
 
Tăng thuế là việc các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một phần doanh thu nữa của doanh nghiệp mình để nộp thuế và điều này cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng giảm đi một phần. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên đã tăng nhanh qua các năm: năm 2011, tổng số thuế tài nguyên thu được đã đạt 39.299 tỷ đồng; năm 2012 đạt 41.312 tỷ đồng; năm 2013 giảm còn 37.875 tỷ đồng; năm 2014 đạt 38.048 tỷ đồng (chiếm 4,4% tổng thu ngân sách Nhà nước).
 
Cơ quan soạn thảo văn bản cho rằng, lộ trình hội nhập quốc tế đang và sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu, do vậy Chính phủ sẽ phải sử dụng biện pháp tăng thu thuế nội địa, thuế tài nguyên để tăng thu ngân sách.
 
Tuy nhiên, thực tế hiệu quả thu ngân sách ở Việt Nam rất hạn chế. Nhiều địa phương có hàng trăm giấy phép còn hiệu lực nhưng một năm chỉ thu được vài tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, thay vì tăng thuế suất, Bộ Tài chính nên đánh giá lại để đưa ra chính sách phù hợp.
 
Doanh nghiệp lợi nhuận giảm
 
Việc tăng thuế suất như trên chắc chắn sẽ làm tăng giá bán của các sản phẩm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Số thuế phải nộp với khoáng sản kim loại cao nhất chiếm 16,7% giá bán, khoáng sản phi kim loại chiếm 17,8% giá bán và nước thiên nhiên chiếm 5,5% giá bán. Vì vậy doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản xuất thông qua đổi mới đầu tư công nghệ, phương thức sản xuất.
 
Hầu hết các doanh nghiệp không đồng tình với đề xuất mới này. Các đại diện cho doanh nghiệp đều cho biết, bên cạnh thuế tài nguyên phải nộp, doanh nghiệp khai thác, chế biến đang phải chịu hàng chục loại thuế, tổng tiền nộp thuế chiếm trên 40% doanh thu bán ra. Nếu tăng thuế tài nguyên lên mức 15% sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất, thậm chí dẫn tới phá sản.
 
Việc tăng thuế tài nguyên chỉ giúp tăng thu ngân sách trước mắt còn về lâu dài, thu ngân sách sẽ giảm vì doanh nghiệp thua lỗ, sẽ giảm đáng kể khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn tồn tại sẽ chỉ khai thác phần có giá trị cao, thuận lợi chứ không khuyến khích họ khai thác tối đa. Như vậy, nguy cơ chạy theo lợi nhuận tối đa dẫn đến các doanh nghiệp sẽ gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên và bỏ qua nhiều khâu quan trọng như bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn lao động là rất dễ xảy ra.
 
Bên cạnh đó, việc tăng thuế suất sẽ gây áp lực lên người lao động, và giảm quỹ cho cộng đồng địa phương.
 
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đều nhận định rằng, về lâu dài, có thể cần phải tăng thuế, nhưng Bộ Tài chính cần phải điều chỉnh theo từng bước để không gây bất ổn môi trường đầu tư.
 
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo:
- CafeF.vn
- Saigontimes.vn
Trích nguồn:
Tác giả: Lê Ninh
  Email    In


 

Bình luận

Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
 

Tìm kiếm

Số lượt truy cập : 1097202