Chính sách - Pháp luật

Những điểm mới của các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 01/7/2015

Cập nhật lúc: 26/06/2015 02:55:08 PM

1, Luật doanh nghiệp 

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 222 điều. So sánh với Luật doanh nghiệp 2005, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cơ bản giữ nguyên cấu trúc, gồm 10 chương. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung thêm Chương IV về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; sáp nhập hai chương cũ của Luật Doanh nghiệp 2005 là "Chương IX quản lý nhà nước" và "Chương X điều khoản thi hành" thành Chương IX về tổ chức thực hiện.
 
Về số lượng điều khoản, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tăng 42 điều mới; có 132 điều được sửa đổi, bổ sung; có 39 điều được giữ nguyên; bãi bỏ 5 điều.
 
Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là việc đăng ký kinh doanh sẽ có thay đổi căn bản theo hướng không qui định ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
 
Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; trong đó, có ít nhất một người cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Theo qui định của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Công ty TNHH một thành viên được phép giảm vốn điều lệ.

Doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu (bảo đảm nội dung con dấu thể hiện tên, mã số doanh nghiệp). Tổ chức hoặc cá nhân hoạt động kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp…

Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế khi giảm tỷ lệ dự họp từ 65% (Luật doanh nghiệp 2005 xuống còn 51%. Khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành. Đồng thời, Luật quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập, không tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp; Bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị.

2, Luật đầu tư 

Điểm mới nhất của Luật đầu tư (sửa đổi) lần này là thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật. Từ trước đến nay phương pháp tiếp cận là chọn – cho, nghĩa là cái gì được làm thì ghi trong luật. Phương thức tiếp cận mới là chọn - bỏ. Đây là phương pháp tiếp cận tiên tiến và minh bạch nhưng vô cùng khó làm. Chọn - bỏ là những gì cấm thì ghi vào trong luật, không ghi có nghĩa là được quyền làm. Cụ thể, Luật đầu tư (sửa đổi) quy định cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau: (1) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại phụ lục kèm theo luật. (2) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật theo quy định tại phụ lục kèm theo luật. (3) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã. (4) Kinh doanh mại dâm. (5) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người. (6) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. Hai ngành nghề không còn xuất hiện trong nội dung cấm liên quan đến các loại pháo và các sản phẩm biến đổi gen.
 
Ngoài ra, luật bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước. Với dự án đầu tư nước ngoài, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rút ngắn thời gian thực hiện từ khoảng 45 ngày như trước đây xuống còn 15 ngày…
 
Với 31 điều sửa đổi, bổ sung 9 điều mới và bỏ 31 điều, Luật cũng hoàn thiện các quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư phù hợp với Hiến pháp, cụ thể hóa cam kết của nhà nước trong việc đối xử không phân biệt giữa các nhà đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế.

3, Luật nhà ở 

Theo Luật nhà ở mới, quĩ đầu tư nước ngoài, người nước ngoài với visa phù hợp, các công ty quốc tế hoạt động tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được phép mua nhà tại Việt Nam. Quy định này đã được thí điểm trong 5 năm trở lại đây, tuy nhiên, các điều kiện thì rất khắt khe. Với sự thay đổi trong Luật Nhà ở, người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ được nới lỏng hơn. Luật cũng không có quy định nào giới hạn về số lượng căn hộ, nhà mà người nước ngoài có thể mua; tuy nhiên, tổng số căn hộ lưu trú mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở (Điều 12), kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua nhà ở; nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư: đa số ý kiến tán thành với quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở như dự thảo Luật. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 3 về trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà là chưa phù hợp.

4, Luật Kinh doanh bất động sản 

Theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng so với trước đây là 6 tỷ đồng. Những trường hợp mua bán, cho thuê, thuê mua bất động sản có qui mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo qui định pháp luật. Vốn tự có khi thực hiện đầu tư dự án của chủ đầu tư không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai: Điều 56 Luật kinh doanh BĐS quy định: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện bảo lãnh việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.Bổ sung quy định, bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng dự án, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình (Điều 58).

Muốn kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp: Điều 10 của Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp). Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản có quy mô nhỏ thì không phải lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế. 

-------------------------------------------------------------------------------------------

Nguồn tham khảo: http://www.lawfirms.vn;  http://duthaoonline.quochoi.vn, 

 
Trích nguồn:
Tác giả: Lê Ninh (tổng hợp)
  Email    In


 

Bình luận

Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
 

Tìm kiếm

Số lượt truy cập : 1097202